Nguyệt Dạ - Cộng đồng Teen Việt

Bạn muốn thử cảm giác sống trong thời Chiến quốc loạn lạc? Hãy đến với Nguyệt Dạ và để lại những kỷ niệm đẹp!


You are not connected. Please login or register

[Fiction] Thôi duyên - Umio

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1[Fiction] Thôi duyên - Umio  Empty [Fiction] Thôi duyên - Umio Sat Jan 13, 2018 8:56 pm

Nguyệt

Nguyệt
Admin
Admin
[You must be registered and logged in to see this image.]

Tác giả: Umio
Thể loại: Bối cảnh miền Tây Nam Bộ thế kỷ trước, tình cảm, ngược
Tình trạng sáng tác: Cập nhật
Độ dài: 10 chương (mỗi chương 1500 - 2000 chữ)
Rating: [K+] - Không dành cho trẻ dưới 9 tuổi

Văn Án

“Thôi cũng đành thôi, duyên em cũng đành thôi!” (1)

- Út Liên ca bài gì mà buồn quá vậy?

Cậu Khải hai tay đút túi quần âu, thong thả bước đến sau lưng tôi. Tôi cười mà lòng tràn ngập chua xót.

- Em ca cuộc đời em đó cậu!

https://nguyetdasongtu.forumvi.com

2[Fiction] Thôi duyên - Umio  Empty Re: [Fiction] Thôi duyên - Umio Sat Jan 13, 2018 8:58 pm

Nguyệt

Nguyệt
Admin
Admin
01. Phận đàn bà​

“Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”​
- Út ơi Út, dậy đi Út!

Tôi lơ mơ mở mắt nhìn lên đỉnh màn, bên ngoài hẵng còn tối om chỉ có ánh sáng leo lét tỏa ra từ cây đèn Hoa Kỳ trên tay chị Huệ. Chị vén màn, lay lay người tôi.

Tôi đưa tay dụi mắt nhưng chưa chịu trở dậy ngay, ú ớ hỏi trong cơn mơ màng:

- Có chuyện gì vậy Hai?

- Mợ cả sanh rồi. Má đang ở nhà trên, má kêu chị đưa em lên đó ngay bây giờ kẻo cha lại cáu.

Chị thì thầm, xong chị kéo tôi ngồi dậy. Quả nhiên trong bóng đêm tịch mịch chỉ có tiếng dế kêu rả rích ngoài vườn, tôi loáng thoáng nghe thấy những âm thanh ồn ào từ gian nhà trên.

Tôi trở dậy, lặng lẽ theo gót chị Huệ. Hai chị em lầm lũi đi trong màn đêm tối đen như mực, không ai nói với ai lời nào.

- Cô Tư, lấy cho chậu nước với cái khăn bông!

Bà đỡ Nguyệt được cha mời từ tận trên tỉnh về nhà, ló mặt ra khỏi buồng của mợ cả xẵng giọng nói với má tôi. Má chỉ khẽ “Dạ” một tiếng nhỏ xíu rồi rầu rầu quay mặt dợm bước đi. Chị Huệ vội giúi cây đèn vào lòng tôi, rảo tới ngăn má.

- Má, để con đi lấy cho!

Vừa nói hết câu chị đã chạy vụt xuống nhà dưới. Má kéo tay tôi nép sát vào người má, tôi hơi sợ hãi giương mắt nhìn cha đang đi qua đi lại trước cửa buồng.

Bà Nguyệt ló đầu đón lấy chậu nước từ tay chị Huệ rồi đóng sầm cánh cửa lại ngay, ở phía bên trong bắt đầu vang lên tiếng kêu thảm thiết của mợ cả.

Cha tôi cau có dòm vào trong buồng mấy lần, vẻ mặt hằm hằm như mỗi lần chị em tôi đùa nghịch ồn ào làm phiền cha viết lách. Đột nhiên tiếng kêu la của mợ cả tắt lịm, cả gian nhà thoáng cái chìm trong sự tĩnh lặng như tờ. Cha tôi hoảng hốt toan đẩy cửa bước vào trỏng thì ngay sau đó tiếng khóc như xé vải của trẻ con vang lên.

- Tạ ơn trời!

Má tôi khẽ kêu lên, hai tay chắp lại trước ngực. Gương mặt của cha cũng giãn ra, thế vào đó là một nụ cười nhẹ nhõm ôn hòa, chưa bao giờ tôi thấy cha tôi hiền đến vậy.

Chỉ vài phút sau, bà đỡ Nguyệt bế một cái bọc nhỏ từ trong buồng đi ra, cẩn thận đặt vào trong lòng cha tôi.

- Con trai đó nghen ông giáo!

Cha mừng rỡ vén tấm chăn bông lên xem, miệng reo một tiếng “A!” đầy phấn khởi. Tôi và chị Huệ mon men đến gần cái bọc thì mặt cha bỗng chốc đanh lại, cha quát:

- Tụi bây tay chân bẩn thỉu đừng lại gần cậu cả.

Má vội vàng kéo hai chị em tôi xuống nhà dưới, trong khoảnh khắc tôi thoáng nhìn thấy má đưa vạt áo lên lau mắt.

Đêm hôm đó má mất ngủ, hết giở mình lại khe khẽ thở dài não nề. Chiếc giường cũ oằn mình kêu kẽo cọt mỗi lần má lật người.

Tôi mơ màng thầm nghĩ trước khi chìm vào giấc ngủ say, má cũng thở dài như thế này vào cái ngày mợ cả có tin vui…

*

Bốn năm sau…

- Con Huệ với con Liên đi đâu rồi? Út Liên, Út Liên ơi!

Tôi vừa bắc nồi cá kho trên bếp xuống vừa ngoác miệng “Dạ” một tiếng thật to. Sau đó vội vàng chùi hai tay vào đít quần, tôi chạy ù lên gian nhà trên.

Mợ cả vận áo nhiễu màu mỡ gà, cái quần lụa trắng buông chùng tới gót chân, mợ đeo đôi bông tai vàng, môi tô son đỏ thắm, đôi mắt lúng la lúng liếc. Mợ cả hơn má tôi tận năm tuổi nhưng ăn vận chải chuốt nên nhìn như gái còn son. Còn má quanh năm chỉ có hai bộ quần áo nâu sòng vá đi vá lại để mặc.

Mợ bế cậu Cường trên tay, hất hàm hỏi:

- Má mày đâu?

- Dạ, má con ở ngoài đồng chưa về.

- Còn con Huệ nó đâu mà tao cũng không thấy?

- Dạ, chỉ đang cho gà ăn đó mợ.

Mợ gật gật đầu rồi lại bảo:

- Cậu Cường đòi đi chơi, mày bế cậu ra vườn hái mận đi. Mợ ra đây có tí việc.

Tôi lại dõng dạc “Dạ” một cái thật to, sau đó vươn tay đón lấy cậu Cường từ mợ. Cậu Cường năm nay lên bốn tuổi, được mợ chăm kỹ nên béo ục béo ịch, tay chân nần nẫn như giò heo. Bốn tuổi mà cậu nhát như cáy lúc nào cũng phải có người bế ẵm dỗ dành, động vào một tí là giãy nảy lên khóc ầm ầm mà mỗi lần làm cậu khóc là thể nào chị em tôi cũng bị cha vác gậy đuổi. Đơn giản vì cậu Cường là con cầu tự, là người nối dõi tông đường cho nhà họ Huỳnh.

- Đi… đi…

Cậu chỉ chỉ tay ra phía vườn cây, miệng méo xệch mãi mới lắp bắp được hai từ. Tôi chiều theo ý cậu, ì ạch bế cậu ra vườn hái mận chơi.

- Ăn… mận… Mận… kia…

Cậu Cường huơ huơ tay chỉ những chùm mận (1) đỏ lườm căng mịn lủng la lủng lẳng trên vòm cây. Tôi đặt cậu xuống đất, rút đôi dép ra lót dưới mông cậu rồi dỗ dành:

- Cậu Cường ngồi ngoan ở dưới này để Út lên hái mận cho cậu ăn nhé!

Cậu lơ ngơ gật gật đầu rồi lại chỉ tay đòi ăn mận. Tôi thoăn thoắt trèo lên cây, vươn tay hái một trái mọng nước, chùi qua loa vào ngực áo rồi nhai nhóp nhép trong miệng. Giải quyết xong xuôi cơn khát nước, tôi mới hái thêm vài chùm nữa lấy vạt áo túm lại. Mải mê hái mận một hồi lâu, tôi không để ý tới trời đã đứng bóng và cậu Cường cũng đã biến mất khỏi gốc cây từ lúc nào.

- Oa oa oa… Đau… Đau… Mợ ơi… Mợ…

Rõ là tiếng hờn khóc ăn vạ của cậu Cường. Tôi hốt hoảng trườn khỏi thân cây, lao đi khắp khu vườn tìm cậu. Cậu Cường ngồi bệt trên đất, tay chân lấm lem, mặt đỏ bừng bừng vì nắng gắt. Cậu ngoác miệng đòi mợ, nước mắt nước mũi từa lưa khắp gương mặt béo phị.

- Cậu Cường làm sao thế? – Tôi bỏ mặc những chùm mận tung tóe trên mặt đất, vội vàng chạy lại nom tay chân của cậu.

- Đau… - Cậu vừa mếu máo vừa chỉ xuống chân.

Hóa ra cậu Cường nghịch phải tổ kiến lửa, bầy kiến hung hăng bò lên chân lên tay lên cổ cậu mà cắn. Tôi mím môi dựng cậu dậy rồi ra sức giũ giũ những con kiến dai nhách bám trên người cậu.

- Cậu Cường khóc à, cậu Cường khóc à? Út Liên ơi, mày làm gì mà để cậu khóc!

Mợ cả phăm phăm tiến vào từ cổng vườn. Tôi đoán mợ mới vừa đi công chuyện về thì nghe thấy cậu Cường khóc lóc nên mới mò vào tận đây xem. Tôi lạnh hết sống lưng, sấp sấp ngửa ngửa lấy ống tay áo lau nước mắt nước mũi cho cậu.

Cậu Cường đã im im được một hồi vừa nhìn thấy mợ cả thì lại gào lên khóc ăn vạ, cả người cứ giãy nảy như đỉa phải vôi trong lòng mợ. Mợ vạch quần áo của cậu ra kiểm tra, miệng dỗ ngon dỗ ngọt:

- À, à mợ thương, mợ thương cậu Cường của mợ nhé.

Tôi đứng im thin thít tại chỗ. Giữa trưa hè nóng nực chỉ nghe thấy tiếng ve kêu râm ran trong vòm lá và tiếng trái tim nhỏ bé của tôi đập thình thịch thình thịch nơi ngực trái.

- Út! Cậu bị làm sao mà sưng hết tay chân mặt mũi lên thế này?

- Dạ… - Tôi gãi đầu gãi tai, lắp bắp mãi mới được một câu – Cậu bị… bị… kiến lửa đốt…

- Ối giời ôi làng nước ôi! – Mợ cả vừa kêu giời vừa vỗ đùi đen đét, rồi mợ trỏ mặt tôi mà gào – Mày làm gì mà không trông cậu, để cậu ra nông nỗi này hả ?!

Mợ bất ngờ xách một bên tai của tôi lên, tôi chỉ kịp kêu “Ái!” một tiếng. Mợ lôi tôi xềnh xệch từ ngoài vườn lên nhà, mợ dọa:

- Để cha mày về dạy cho mày một trận mới xong! Được cả con mẹ lẫn con con!

Tôi đang xuýt xoa cái tai đau điếng nghe thấy mợ la như vậy thì nhảy dựng cả lên:

- Má con làm gì nên tội mà mợ mắng má?

- Á à, mày không phải bênh!

Mợ mới lôi được tôi đến sân gạch thì vừa vặn cha tôi xách cặp táp đi vào, theo sau là má cắp cái nón rách tả rách tơi. Má nhìn thấy tình cảnh của tôi như vậy thì trợn mắt ra chiều ngạc nhiên lắm nhưng lại không dám cất tiếng hỏi.

- Đấy, ông về mà xem, con gái quý hóa của ông trông cậu Cường cái kiểu gì mà cậu bị kiến cắn sưng hết cả tay chân mặt mũi lên đây này!

Mợ cả bỏ tai tôi ra hờn mát mách tội với cha, xong mợ ngúng nguẩy bế cậu Cường vào buồng trong.

- Mày với má mày chỉ làm khổ tao thôi Út!

Mặt cha đột nhiên co rúm lại, cha vứt cái cặp ra giữa sân rồi túm lấy cây chổi dựng ngoài hiên, hằm hè tiến lại phía tôi. Tôi sợ nhưng không dám bỏ chạy, hai tay xoắn xuýt trước bụng, miệng líu ríu van:

- Con van cha, con van cha. Con biết lỗi rồi, cha đừng đánh con.

Cha bỏ ngoài tai lời cầu xin của tôi, cứ thế một tay giữ chặt lấy chân tôi một tay cầm chổi vụt tới tấp. Tôi oằn mình dưới đòn roi đau rát, mỗi lần cha hạ cánh tay xuống là một lần cả người tôi nảy lên như cá nhảy trên thớt. Đau quá, tôi bật khóc, vô thức gọi người mà tôi tin tưởng nhất – má.

- Má ơi, má cứu con với!

- Gọi má nè! Gọi má nè!

Mỗi một câu “gọi má nè” cha tôi lại vung cây chổi xuống với tất cả sức lực. Gương mặt cha khi ấy, sợ lắm, vừa đỏ bừng bừng vừa rúm ró lại, hai chân mày xô ngã nhau, con mắt long lên sòng sọc.

Tôi giãy giụa trên nền gạch bỏng rát, nước mắt cứ rỉ xuống từng dòng từng dòng mặn đắng. Những ngọn roi đau đến nứt toác cả da vẫn tới tấp rơi xuống, tôi mím môi để tiếng gọi má kiềm lại nơi cổ họng.

Má ơi, con đau lắm, cứu con với… má ơi!

Đêm hôm đó, má bắt tôi cởi áo nằm úp lưng xuống giường cho má xát muối vào. Muối chạm vào lằn roi dội thẳng lên óc cảm giác vừa buốt vừa rát, tôi đau đến trào nước mắt, cả người giãy nảy lên. Má ấn tay chân của tôi xuống giường, vừa xát muối vừa khóc.

- Cái phận đàn bà, đến con mình mà cũng không bảo vệ được! Đàn bà ấy thì sống làm gì cho cực, chỉ để diều quạ mổ cho nát thây!

- Má…

Trong căn buồng ẩm thấp, ba má con tôi ôm nhau ngồi khóc. Đến mãi sau này tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của má trong tiếng khóc nghẹn ngào.

- Đời má cơ cực lắm các con ơi! Phận đàn bà sinh ra đã khổ, huống chi là mang thân vợ lẽ, người ta đâu có yêu thương đoái hoài đến. Các con… đừng đi theo vết xe đổ của cuộc đời má, nghe các con!

(1) mận: ở miền bắc gọi là quả roi, miền nam gọi là quả mận.

https://nguyetdasongtu.forumvi.com

3[Fiction] Thôi duyên - Umio  Empty Re: [Fiction] Thôi duyên - Umio Sat Jan 13, 2018 9:00 pm

Nguyệt

Nguyệt
Admin
Admin
02. Cậu ấm con nhà hội đồng

[​IMG]

“Suốt cả ngày hôm đó, chị Huệ tôi cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, thi thoảng lại lén che miệng cười khúc khích. Tôi hỏi chị, Hai cười gì mà cười hoài, người cứ như mất hồn mất vía ấy. Chỉ không trả lời, cũng không nói cho tôi biết tôi nào có khác chỉ là bao. Thì ra cả hai chị em tôi đều giữ trong lòng nụ cười đẹp như nắng của cậu Khải.”

Cả làng gọi cha tôi là ông giáo Minh, còn mợ cả của tôi nghiễm nhiên là bà giáo. Ấy vậy mà má tôi – mang tiếng là vợ lẽ của ông giáo – lại bị người ta làm ngơ đi cái danh phận nhỏ nhoi ấy, từ đứa con nít tới mấy bà bác trong ngõ xóm đều gọi trỏng là “cô Tư”, “thím Tư”, “chị Tư” mà thôi.

Trước đây gia cảnh nhà họ Huỳnh cũng khấm khá dư dả lắm, nghe đâu cụ cố tổ tôi làm tới chức quan gì đó trên tận triều đình. Về sau phần vì chạy chữa cho bà nội tôi ốm liệt giường, phần vì ông nội tôi chán nản đâm cờ bạc may rủi, cũng phần vì lo cho cha tôi ra Sài Gòn học tới cái bằng Thành Chung (1), nên gia sản tiêu tán hết cả, đến giờ chỉ còn lại cái danh hão huyền từ thời cụ cố.

Hồi bà nội tôi còn khỏe mạnh, nhà cũng còn có chút đồng ra đồng vô, nội mới đánh tiếng hỏi cưới cô Kim Lan nhà ông phú Đinh làm vợ cho cha tôi. Nhà phú hộ Đinh giàu lắm, giàu gấp mấy lần nhà họ Huỳnh này, trâu bò lợn gà đầy sân, ruộng đồng bạt ngàn thẳng cánh cò bay, nhưng trong họ ba đời chỉ toàn làm nông không có lấy nửa con chữ giắt lưng. Vì thế ông phú Đinh quý chữ nghĩa lắm, quý cả cái danh làm quan to của cụ cố tổ tôi nên mới ưng thuận gả cô Kim Lan vào nhà họ Huỳnh.

Cô tiểu thư nhà phú hộ Kim Lan đó, chính là mợ cả tôi bây giờ.

Sau này khi bà nội tôi qua đời, ông nội tiêu tán hết tiền bạc vào món cờ bạc đỏ đen rồi cũng nằm xuống ngay cuối năm đó, cha tôi phải thôi học trên Sài Gòn để về quê làm anh giáo gõ đầu trẻ. Gia cảnh bần túng là thế nhưng mợ cả vẫn quen thói đỏng đảnh nhà giàu, suốt ngày chỉ lo ăn diện không màng tới việc đồng áng chân lấm tay bùn. Cha tôi vẫn ưng hết, mợ thích thứ gì là chiều mợ thứ đó, ngặt nỗi cưới nhau đã được dăm năm mà eo mợ vẫn thắt đáy lưng ong, chả thấy nhô lên chút nào.

Chán nản, cha mới ướm hỏi ý mợ cưới má tôi về làm lẽ. Má tôi thuở thiếu thời là con gái thứ tư trong một nhà đông con, má không có xinh xắn trắng trẻo như những cô tiểu thư yêu kiều. Vốn phải làm lụng vất vả từ nhỏ nên dáng người má thấp đậm, làn da bánh mật ngăm ngăm nâu. Người ta bảo dáng má là dáng đàn bà mắn đẻ. Cha cưới má làm lẽ, cũng là vì cái dáng ấy mà thôi.

Nhưng bất hạnh thay má tôi hai năm sanh hai đứa lại toàn là con một bề. Chị em tôi hơn kém nhau có một tuổi tròn, chị Hai Huệ năm nay lên mười sáu, còn tôi vừa vặn cái tuổi trăng rằm mười lăm.

Từ khi chúng tôi chào đời, cha đã chẳng mảy may quan tâm. Sau chị Huệ thì cha còn nuôi trong lòng chút ít hy vọng nhưng khi vừa biết đứa trẻ thứ hai sinh ra cũng là con gái, cha tuyệt nhiên không còn nom ròm gì đến má tôi nữa. Hỡi ôi, cha lấy má cũng đâu phải vì tình ái? Một khi mục đích cha muốn ở má không đạt được thì má tôi nay đâu có khác chi là đứa tôi tớ, đứa ở trong nhà!

Sau, mợ cả tôi nghe theo mấy bà bạn trên tỉnh đi khắp các chùa chiền lễ lạt, tìm những thầy thuốc nổi tiếng “mát tay” về chẩn bệnh. Mợ lặn lội tìm sang cả Bạc Liêu, Cần Thơ, Bến Tre để cúng chùa, tìm thầy.

Khi tôi lên mười một tuổi thì mợ hoài thai cậu Cường.

“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, khỏi nói cha tôi và mợ cả cưng chiều cậu Cường như thế nào. Một tiếng “cậu”, hai tiếng “cậu”, cậu nhăn mặt một tí là đã bế nựng dỗ dành, chị em tôi phận nữ nhi sao dám đua đòi, tị nạnh.

Má tôi dạy, mợ cả là chính thất trong nhà, mợ có chửi cũng phải cắn răng mà nghe; cậu Cường là con giai lớn, là người nối dõi tông đường, cậu đòi cái gì cũng phải cố mà làm hài lòng cậu.

Còn miệng lưỡi người đời làm sao mà mình quản nổi, mình cứ giả điếc người ta nói mỏi mồm thì tự khắc sẽ thôi…

*

- Sao Hai đi chợ về muộn thế?

Vừa nhìn thấy dáng chị Huệ xách giỏ đi tới từ xa xa tôi đã vội chạy ù tới bên chị trách móc. Chị thong thả đặt cái giỏ đi chợ xuống đất, vừa phe phẩy nón vừa nói:

- Út chưa biết gì hả? À, chị quên mất, em ở nhà từ sáng chắc chưa biết chuyện chi.

Lối nói chuyện của chỉ làm tôi sốt ruột hết mức, tôi tò mò giục chị:

- Chuyện chi chi mà Hai cứ úp mở mãi thế?

- Ngoài chợ người ta đồn ầm lên là cậu ấm con ông bà hội đồng sáng nay về nhà nghỉ hè đó Út.

Tôi bĩu bĩu môi ra vẻ khinh thường:

- Thế thôi mà cũng xôn xao!

- Nghe nói cậu đẹp lắm mầy! – Chị Huệ nạt yêu tôi một cái rồi ngẩn người ra, ánh mắt mơ màng như đang nghĩ tận đẩu tận đâu. “Lại còn giỏi giang nữa chớ, cái làng này mấy ai làm tới thầy thông (2), thầy ký (3) như cậu.” Chị Huệ đột nhiên lẩm bẩm một mình.

- Nè! – Tôi huơ huơ tay trước mặt chị, gắt lên.

- Hổng nói chuyện với Út nữa, hổng coi thì thôi, vô nấu cơm, chị ra kia coi mặt cậu.

Nói rồi chị quày quả cắp nón đi luôn, dáng vẻ hấp tấp lắm. Tôi xách cái giỏ ở dưới đất lên, đuổi theo chỉ nói vống:

- Ai biểu em không coi? Nè, Hai đi chậm lại chút đi!

Ông bà hội đồng có cơ ngơi cao rộng, tôi tớ ở chật nhà. Bà hội đồng sanh được mỗi một cậu con giai, quý như quý vàng. Từ nhỏ cậu đã được đưa lên Sài Gòn sống với ông chú họ, nghe đâu cậu mới được nhận vô làm thầy thông ở trển, hè này về chơi với ba má mấy tháng cho đỡ nhớ.

Mấy cô con gái đứng chật ở cổng làng, hí hửng kháo nhau là cậu Khải coi bộ đẹp trai lắm, lại còn có tài cao học rộng, hiểu biết đầy mình.

Tôi lại bĩu môi, thì thầm với chị Huệ:

- Đẹp mà làm chi, mấy anh thư sinh ẻo lả có khi cầm cái cuốc cũng không vững.

- Nè, người ta là thầy thông đó cô, người ta thèm vào mà cầm cái cuốc của cô đó. – Chị Huệ lườm tôi một cái rồi dẩu môi nói – Cái ngữ cô chỉ thích được anh Ba Thắng xóm trên thôi!

Tôi vừa nghe chị trêu chọc vậy thì sửng cồ lên cãi:

- Cái nhà anh Thắng có xách dép chạy theo em, em cũng không chịu!

Chị Huệ đang định nói gì đó thì tiếng còi ô tô rộn rã vang lên đã át mất lời của chị. Một chiếc xe ô tô màu đen bóng loáng từ từ tiến vào cổng làng, xe lăn bánh chầm chậm rồi dừng hẳn. Cửa xe bất ngờ mở tung, một đôi chân thon dài mặc quần âu trắng tinh từ trên xe thò ra đặt xuống đất.

Tiếp theo đó là mái đầu cắt ngắn được chải gọn ghẽ chui ra, cậu Khải đặt tay lên mui xe dùng đà bật người khỏi ghế sau của ô tô. Dáng người cậu không quá vạm vỡ như các anh trai làng mà dong dỏng cao, nước da trắng như da con gái, gương mặt góc cạnh có phần xanh xao cực kỳ nổi bật với vẻ nam tính. Mày rậm, đôi mắt sáng như sao, sống mũi cao thẳng, đôi môi nhợt nhạt hơi mím lại. Bộ âu phục màu trắng cắt may vừa vặn ôm sát lấy thân người cậu.

Cậu Khải nheo nheo mắt nhìn đám người đông đúc đứng chờ mình ở cổng làng, coi bộ cậu không ngờ được rằng bản thân được chào đón nồng nhiệt đến thế. Sau đó cậu nở một nụ cười nhẹ nhõm, vươn tay ôm lấy bà hội đồng đang sụt sịt hỷ mũi vào khăn tay.

Toàn bộ quá trình cậu cùng ba má lên xe ô tô trở về nhà như thế nào, đám con gái xung quanh nháo nhào ra sao, tôi đều không để vào mắt. Đầu óc của tôi đã lơ mơ từ lúc cậu nở nụ cười đầu tiên.

Nắng chói chang rọi đến từ sau gáy cậu, đôi môi hơi mím lại mở rộng hé lộ hàm răng trắng bóc, gương mặt xanh xao của cậu giãn ra, tỏa trên đó là một vẻ nhẹ nhõm mừng rỡ.

Nụ cười của cậu hòa vào nắng, càng thêm phần ấm áp.

*

Suốt cả ngày hôm đó, chị Huệ tôi cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, thi thoảng lại lén che miệng cười khúc khích. Tôi hỏi chị, Hai cười gì mà cười hoài, người cứ như mất hồn mất vía ấy. Chỉ không trả lời, cũng không nói cho tôi biết tôi nào có khác chỉ là bao. Thì ra cả hai chị em tôi đều giữ trong lòng nụ cười đẹp như nắng của cậu Khải.

Đêm hôm đó trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi tua đi tua lại trong đầu hàng trăm lần dáng người và vẻ mặt của cậu. Đột nhiên, chị Huệ chọc chọc vào eo tôi, thì thầm nói với giọng mơ màng:

- Nè, Út có để ý không, sáng nay cậu Khải có liếc nhìn chị một cái đó.

- Thiệt hông? – Tôi bán tin bán nghi quay sang nhìn chị.

Chị vừa cười tươi vừa nói chắc như đinh đóng cột:

- Thiệt! Cậu nhìn chị một lúc lâu lắc à, mấy giây lận.

Tôi hơi buồn cười nhưng không nỡ chọc chị hai, tôi đâu có thấy cái “mấy giây” với “một lúc lâu lắc” trong lời chị nói có gì giống nhau. Tôi thầm nghĩ, hai chị em cùng thích cậu Khải cũng chẳng có vấn đề gì, dẫu sao chúng tôi đều là dân mọn không có ao ước được cậu ngó ngàng tới, “thích” trong lòng chúng tôi chỉ đơn giản là đứng từ phía xa ngưỡng mộ nhìn cậu mà thôi…

Nhưng một nơi sâu thẳm nào đó trong trái tim non nớt của tôi, lại âm thầm mong ước ngày sau tôi được vận áo dài cô dâu, sánh ngang bên cậu bước qua cánh cổng nhà có đề hai chữ Vu Quy…

(1) bằng Thành Chung:

Tới khi hình thành đầy đủ, hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt có 3 bậc với học trình là 13 năm:
Bậc Tiểu Học 6 năm:
- Lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin)
- Lớp Dự Bị (Cours Préparatoire)
- Lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire)
- Lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année)
- Lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année) (9)
- Lớp Nhất (Cours Supérieur)
Ba lớp đầu còn được gọi là bậc sơ học. Học xong lớp Sơ Đẳng học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire) Những học sinh được tuyển thẳng lên lớp Nhì năm thứ nhất không bắt buộc phải thi Sơ Học Yếu Lược. Học hết lớp Nhất học sinh được thi bằng Tiểu Học Yếu Lược hay Sơ Đẳng Tiểu Học (Certificat d'Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI), phải có bằng này mới được dự tuyển học lên lớp trên.
Bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Primaire) 4 năm:
Học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d'Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành Chung. Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Trung Học tức bậc Tú Tài. Các trường dạy bậc Cao Đẳng Tiểu Học được gọi là Collège.(Trích bài viết "Thi cử và nền giáo dục VN dưới thời Pháp thuộc - Trần Bích San)

(2) thầy thông: cách gọi người thông dịch thời xưa
(3) thầy ký: cách gọi thư ký thời xưa

https://nguyetdasongtu.forumvi.com

4[Fiction] Thôi duyên - Umio  Empty Re: [Fiction] Thôi duyên - Umio Sat Jan 13, 2018 9:01 pm

Nguyệt

Nguyệt
Admin
Admin
03. Giáp mặt

“Bonjou là tiếng Pháp, có nghĩa là xin chào đó Út. Khi người Pháp mới quen nhau, họ sẽ nói Bonjou, Bonjou.
Thế còn em thích anh trong tiếng Pháp là gì?

Je t’aime. Je t’aime. Cũng có nghĩa là anh thích em.”

[​IMG] ​
Chị em tôi vừa đội được cái nón lên đầu đi ra tới cổng thì gặp ngay anh Ba Thắng tay ôm một cái túi bước tới. Chị Huệ huých khuỷa tay vào sườn tôi một cái đau điếng, sau đó nhanh chân định lảng ra ngoài trước, may sao tôi túm được tay chị kềm lại.

- Út với Huệ đi đâu đó?

- Chị em tui ra đồng phụ má nè, anh Ba Thắng đến có chuyện chi đó? – Đợi mãi không thấy tôi lên tiếng, chị Huệ đành phải mở lời tiếp chuyện.

- À, má tui biểu tui mang ít gạo Nàng thơm sang biếu thím Tư với hai cô.

- Ôi, thím Mẫn tốt ghê hén! – Chị Huệ đưa tay đón lấy túi gạo từ anh Ba Thắng, miệng cười rổn rang.

Trao gạo xong anh Thắng chưa đi ngay mà đứng gãi đầu gãi tai một hồi mới bảo:

- Hổm rày má tôi cứ nhắc hai cô hoài, hỏi sao không thấy Huệ với… với Út Liên sang chơi?

- Tui sợ cô Lài nhà anh quá mà, cổ đâu ưa tui sang chơi với thím Mẫn hồi nào đâu! Tui đến chỉ sợ phật lòng cổ. Mà tui nói nè, thím Mẫn cũng cho má tui nhiều đồ rồi, má tui nhận thấy ngại lắm chứ bộ, lần sau nhờ anh Ba Thắng nói giùm với thím heng!

Nói xong một tràng dài, tôi ngúng nguẩy kéo tay chị Huệ rời đi, bỏ lại anh ta đứng như trời trồng tại cổng. Chị Huệ che miệng cười nhìn tôi:

- Út hỗn quá heng! Má mà biết Út ăn nói vậy với anh Ba Thắng là má la đó.

- Chuyện này chỉ có chị với anh ta biết, chị không nói anh ta không dám nói, thì làm sao má biết được chớ? – Tôi buồn bực đáp. – Cái nhà anh Ba Thắng cũng đến lạ, biết rõ em không ưng rồi mà cứ lân la làm phiền hoài à!

- Biết sao được chừ? Ai biểu em đẹp quá làm chi để ảnh mê như điếu đổ vậy đó?

Tôi giận dỗi quay mặt sang bên kia đường:

- Hổng nói chuyện với Hai nữa!

Thực ra chị Huệ đẹp hơn tôi rất nhiều, đẹp hơn cả má thuở còn là con gái nữa. Chỉ có đôi lông mày lá liễu, mũi dọc dừa hếch lên vừa duyên dáng vừa kiêu kỳ. Dáng người thon thả dong dỏng cao, vòng eo thắt đáy lưng ong chịu thương chịu khó. Xóm trên xóm dưới, trong làng ngoài ngõ có hàng đàn những anh con giai ngấp nghé muốn đến hỏi chỉ về làm vợ, mà chỉ thì chưa ưng mối nào hết. Má gõ đầu kêu chỉ kén cá chọn canh có ngày ế chồng.

- Thím Mẫn biểu anh Ba Thắng mang mấy kí gạo Nàng thơm qua biếu má đó!

Chị Huệ đưa cho má nắm cơm gói trong lá sen, khẽ liếc nhìn tôi với ý cười đong đầy con mắt. Má giở nắm cơm, cười nói:

- Thế hả? Mà Út nè, má thấy thằng Ba Thắng có vẻ thích con đấy, nhà bên đó cũng ưng con nữa, hay là con bảo nó hôm nào đánh tiếng với chú Tân thím Mẫn xem?

- Đánh tiếng gì cơ má? – Tôi giả ngây ngô hỏi.

- Đánh tiếng mang giầu cau sang hỏi đám cho mầy chứ đánh tiếng cái chi chi nữa! – Má nhăn mặt cốc đầu tôi một cái đau điếng.

- Thôi mà má! Con hổng có ưng ảnh, không muốn cưới ảnh.

Má nhìn tôi thở dài:

- Chị Hai mày có nhiều mối nên má không có lo, còn mày nổi tiếng đanh đá nghịch ngợm quanh đây có Ba Thắng là chịu ưng mày, mày không lấy nó thì lấy ai?

- Kìa má… - Tôi phụng phịu ôm lấy cánh tay má – Má có nhớ lời dặn của má không? Má dặn tụi con không được chọn nhầm người mà khổ cả đời, con cũng thể, con muốn lấy một người mà ảnh thích con, con cũng thích ảnh.

Má thở dài nhìn đứa con gái cứng đầu của mình nhưng không nói gì nữa mà chỉ lẳng lặng ăn nắm cơm. Tôi biết má lo cho mình nhiều lắm chớ, nhưng mà làm sao được đây khi tôi hoàn toàn không có tình cảm với anh Ba Thắng.

Anh Ba Thắng là con giai thứ của chú Tân thím Mẫn ở xóm trên. Chú thím cũng là dân làm nông nghèo nên rất quý má và hai chị em tôi. Dưới anh Thắng còn có cái Lài là con gái út trong nhà. Lài ghét tôi lắm mà tôi cũng chẳng ưa gì nhỏ đó. Nhỏ không thích chuyện Ba Thắng có cảm tình với tôi chỉ đơn giản vì bạn thân nhỏ là cái Quỳnh mê ảnh như điếu đổ.

Chiều hôm đó tôi đội một thúng thóc lên nhà ông Năm xay, giữa đường gặp hai nhỏ líu ríu nói chuyện đi tới từ phía đối diện.

- Lườm tao hả Út Liên?!

Lài đột nhiên xấn sổ áp sát tới người tôi, trợn mắt quát. Tôi đặt thúng thóc trên đầu xuống đất, chống nạnh sửng cồ:

- Mắt tao hổng có bị lác nghe mầy!

- Nè! Tao nói cho ba họ nhà mày nghe, cái thứ đờn bà con gái gì mà dai nhách, bám anh Ba Thắng nhà tao hoài vậy? Sáng nay có phải ảnh lại giấm giúi gạo Nàng thơm cho má con mày hông?

- Ảnh biếu má tao đàng hoàng nha mậy, ăn nói tử tế chút đi. – Tôi vênh mặt hất hàm nhìn nhỏ Lài đang tức bừng bừng mặt.

- Cái thứ vợ lẽ rẻ rúm đó không xứng ăn gạo Nàng thơm! – Lài nhằm đúng chỗ hiểm của tôi mà xoáy.

Sỉ nhục tôi tôi còn có thể chịu, chớ đừng có hòng mà động tới má! Tôi nhảy xổ tới định giáng cho Lài một bạt tai thì nhỏ Quỳnh chặn đứng tôi lại dùng lực kềm chặt hai cánh tay tôi. Tôi ức quá hất hàm nói:

- Ê Quỳnh, tức vì Ba Thắng mê tao chứ không mê mầy hả?

- Mày nói cái gì hả?

Nhỏ Quỳnh mắt long lên sòng sọc, nhỏ thả tay tôi ra trực tiếp giật tung mái tóc dài tới ngang thắt lưng của tôi. Lài ở bên cạnh toan chạy tới dùng chân đá văng thúng thóc của má đi, tôi chưa kịp ngăn nhỏ lại thì một giọng nói của đờn ông đã vang lên sau lưng:

- Mấy cô dừng lại đi!

Cậu Khải vận bộ đồ lụa trắng, đi guốc mộc tay cắp cái mũ vải đứng cách đó không xa. Cậu từ từ tiến lại gỡ bàn tay của nhỏ Quỳnh ra khỏi tóc tôi, trầm giọng nói:

- Hai cô làm gì vậy? Bắt nạt người ta còn định đá thúng thóc nhà người ta đi à?

Cậu nói bình thản nhưng sắc mặt lạnh lùng đáng sợ. Nhỏ Quỳnh và nhỏ Lài thẹn đỏ mặt vội vã đưa nhau đi khỏi. Cậu quay sang tôi mỉm cười:

- Út Liên có sao hông?

Trái tim tôi lỡ đập một cái “thịch” trong lồng ngực. Cậu cứu tôi, còn biết cả tên tôi nữa?

Tôi ngượng ngùng vấn lại tóc, nhẹ nhàng nói:

- Dạ, em hổng có sao thưa cậu!

- Bonjou!

Tôi ngờ nghệch nhìn cậu đang chống nạnh cười, cậu mới nói cái gì đó “bông dua”, “bông chua”? Cậu xoa xoa đầu tôi, nhẹ giọng giải thích:

- Bonjou là tiếng Pháp, có nghĩa là xin chào đó Út. Khi người Pháp mới quen nhau, họ sẽ nói Bonjou, Bonjou.

Hèn chi mà tôi nghe hổng hiểu. Cậu Khải là thầy thông nên chắc cậu giỏi tiếng Pháp dữ lắm. Hai âm tiết xa lạ đó vang lên thật ấm áp qua giọng nói trầm thấp có chút khàn khàn của cậu. Tôi giương mắt ngây ngô ngắm nhìn những vạt nắng lốm đốm rớt trên gương mặt cậu, buột miệng hỏi:

- Thế còn em thích anh trong tiếng Pháp là gì?

Hỏi xong tôi mới thấy mình thiệt ngu ngốc, thiệt chỉ muốn đào một cái lỗ để chui xuống cho đỡ xấu hổ. Nhưng cậu chỉ cười dịu dàng, mãi một lúc sau cậu mới khẽ cất tiếng ngân nga:

- Je t’aime. Je t’aime. Cũng có nghĩa là anh thích em.

“Cậu, Je t’aime!” Và tôi cũng ngân nga mãi câu nói đó trong lòng.

Cậu, em thích cậu.

https://nguyetdasongtu.forumvi.com

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết